Hồi kết chợ hè 2024: An toàn và toan tính nhưng chưa đã

Vào rạng sáng ngày 01/09 , thị trường chuyển nhượng Hè 2024 đã đồng loạt đóng cửa ở đa số Giải VĐQG hàng đầu Châu Âu. Có thể nói, đây là một mùa hè tương đối ảm đạm – khi các đội bóng có vẻ dè chừng hơn, thị trường cũng không mang đến quá nhiều cái tên mới mẻ. Những khoản chi cũng vì thế mà trở nên “chắc tay” và phần nào chậm rãi.

Ảnh hưởng của EURO và Copa America

Bom tấn sớm nổ với việc Kylian Mbappe gia nhập Real Madrid, và đây cũng là thương vụ lớn nhất của toàn bộ TTCN năm nay. Chúng ta trải qua 2 tháng tương đối “đói tin”, bởi lẽ các đội bóng thường hạn chế những động thái trước và trong những giải đấu lớn. Điều này nhằm hạn chế rủi ro chấn thương cho các bản hợp đồng mới với bên mua, cũng như tạo điều kiện cho bên bán “tranh thủ” thêm ít tiền – nếu cầu thủ sắp ra đi bỗng tỏa sáng tại những sân khấu lớn.

Những tin tức chỉ bắt đầu chiếm lấy mặt báo sau các trận Chung kết. Dù vậy, càng về sau ta càng nhận ra những bản hợp đồng kiểu “sao mới nổi” như James Rodriguez sau World Cup 2014 hay Renato Sanches hậu EURO 2016 dần không còn nữa. Nguyên nhân nằm ở đội ngũ tuyển trạch ngày càng tinh vi ở các CLB, cũng như tiêu chí tuyển chọn ngày càng khắt khe và “có kế hoạch”, khiến cho những cái tên mới đến chẳng còn ẩn chứa quá nhiều bất ngờ. Tất nhiên vẫn có những ngôi sao tại các giải đấu lớn chuyển đội – như Calafiori đến Arsenal hay Olmo đến Barcelona, song đây đều là những bản hợp đồng vốn được “plan” khá kỹ, và không đủ sức tạo nên những “saga” thật sự chất lượng.

Thưa thớt những đề tài “nóng hổi” ở chợ hè

Sự khan hiếm những tên tuổi lớn hay những đề tài bàn tán cũng góp phần dẫn đến sự thiếu hụt “adrenaline” ở TTCN lần này. Xét trên bình diện EPL, nếu như Hè 2022 chứng kiến các đội bóng đổ xô săn tìm những số 9 (Haaland, Nunez, Jesus), Hè 2023 là câu chuyện của những tiền vệ (Rice, Caicedo, Mac Allister), thì năm nay ta không được chứng kiến những cuộc chạy đua có tính chất “tập trung” như thế. Đa phần các đội bóng lớn đều đã có sẵn một kế hoạch được vạch khá kỹ lưỡng – và tình cờ thay, chẳng có quá nhiều những thương vụ nơi có sự đua tranh quyết liệt của các đội bóng lớn như kiểu Rice hay Haaland các năm trước.

Tác động khác nhau của Luật Công bằng tài chính

Luật CBTC cũng có những ảnh hưởng khác nhau lên các CLB. Ví dụ như Arsenal sau một mùa hè bạo chi năm ngoái, họ đã trở nên thận trọng và tập trung hơn vào chiều đi. Điều tương tự cũng xảy đến với một số cái tên như Newcastle hay Chelsea. Ở chiều ngược lại, các đội bóng trung bình khá và sở hữu nhiều “viên ngọc thô” như Brighton hay Aston Villa lại chẳng chịu áp lực nào từ việc bán người, cho phép họ “bảo toàn quân số” hoặc thoải mái “kì kèo” trên bàn đàm phán.

Thiếu những tình huống ép buộc các đội bóng buộc-phải-kí với một (vài) cái tên nhất định, thiếu những cầu thủ đủ sức lấp đầy các mặt báo trong thời gian dài (riêng Mbappe làm được thì đã “done deal” từ sớm), cũng chẳng có bản hợp đồng “trăm củ” nào được ký kết. Tất cả làm nên một mùa hè tương đối “nhàm” dành cho chúng ta nếu so với các năm trước, khi xét đến khía cạnh mua bán giữa các CLB.

Theo thống kê từ Transfermarkt, nếu xét về giá trị cầu thủ, ngoài “Golden Boy” nước Pháp thì chỉ có thêm 5 cái tên được đính giá trên 60 triệu Euro thay đổi CLB từ mùa giải sang năm. Nói đi cũng phải nói lại, có vẻ đa số các đội bóng cũng đã “tạm” hài lòng với chiến lược của mình tại TTCN năm nay.

Cùng cập nhật các trận kèo thưởng giá trị tại Uniscore Tỷ Số Trực Tuyến

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *